Tối 2/3 (giờ địa phương), hơn 50.000 người có mặt ở Sân vận động quốc gia xem Taylor Swift diễn đêm đầu trong tổng số 6 buổi Eras Tour tại Singapore.
Concert của Taylor Swift ở Singapore bán được hơn 300.000 vé. Do đây là điểm đến duy nhất của nữ ca sĩ tại khu vực Đông Nam Á, người hâm mộ không ngại chi vài nghìn USD để nhìn thần tượng "bằng xương bằng thịt".
Ngoài người hâm mộ háo hức khi lần đầu gặp thần tượng, không ít người chi gần 10.000 USD để xem đi xem lại khoảnh khắc Taylor Swift biểu diễn trên sân khấu.
Taylor Swift tại đêm diễn đầu với 50.000 khán giả ở Singapore. Chi nghìn USD xuyên biên giới gặp thần tượng
Melissa Lee, 26 tuổi, cho biết mong muốn lớn nhất của cô là xem Taylor Swift hát live nhiều nhất có thể. Đến nay, cô ước tính chi hơn 7.000 USD (khoảng 172 triệu đồng) để tham dự ba buổi hòa nhạc trong Eras Tour của Swift tại Australia, Pháp và Singapore.
"Tôi không hối hận về điều đó", Melissa nói.
Với tổng số tiền bỏ ra, có 3.000 USD dành cho chi phí đi lại, hàng hóa hòa nhạc và vé VIP ở Sydney, Australia, 4.000 USD tiền vé máy bay và vé VIP ở Paris, Pháp. Tại Singapore, cô chỉ bỏ ra khoảng 350 USD.
"Tiền có thể kiếm lại được nhưng ký ức về buổi hòa nhạc này sẽ không còn nữa. Tôi không biết khi nào Taylor Swift sẽ lưu diễn tiếp, tôi may mắn săn được vé nên phải đi thôi", Melissa nói thêm.
Tuy nhiên, một số Swifties tận tâm của Singapore cũng đang theo dõi ngôi sao nhạc pop này trong các buổi hòa nhạc của cô trên khắp Australia, châu Á và Hoa Kỳ.
Melissa Lee hâm mộ Taylor Swift từ năm 2017. Nhân viên truyền thông 26 tuổi cho biết những bản nhạc bất ngờ, bản mashup chưa từng phát hành là động lực để cô không ngại chi tiền đi xem hòa nhạc.
Layla Harris, giám đốc phát triển kinh doanh của một công ty, ước tính cô đã chi từ 4.000-6.000 USD để xuyên biên giới xem ngôi sao nhạc pop biểu diễn ở Seattle, Mỹ Melbourne, Australia và gần nhất là Singapore.
Layla Harris (trái) chi khoảng 6.000 USD để nhiều lần xem Taylor Swift biểu diễn.
Cô gái 25 tuổi nói bố mẹ liên tục khuyên cô không nên chi quá nhiều cho Swift. Nhưng là người hâm mộ trung thành, Harris không thể kiềm chế, liên tục lên mạng đặt vé mỗi khi nghe Taylor Swift mở concert.
Harris cho biết cô may mắn có cơ hội theo dõi Taylor Swift ở các buổi hòa nhạc tại Singapore năm 2011, 2014 và 2015. Cô nói mái tóc xoăn của mình suốt thời niên thiếu lấy cảm hứng từ giọng ca sinh năm 1989. Âm nhạc của nữ ca sĩ cũng giúp cô truyền động lực.
“Nói chung tôi không phải là người chi tiêu hoang phí. Vì vậy tôi thấy ổn khi móc ví xem Taylor Swift. Ở mỗi buổi hòa nhạc, Swift diễn đến 3 tiếng. Lần nào chị ấy cũng mang đến màn trình diễn tuyệt vời. Tôi luôn hào hứng mỗi khi xem show", Harris nói thêm.
Một người hâm mộ cuồng nhiệt khác là Nicole Liel đã trả hơn 5.500 USD để tham dự bốn buổi hòa nhạc của Taylor Swift, một lần ở Australia và ba lần ở Singapore.
Nicole Liel, KOL, người sáng tạo nội dung trên mạng, cho biết hồi tháng 2, cô ngồi máy bay 7 tiếng để sang Melbourne, Australia xem Taylor Swift biểu diễn. Cô chi tổng cộng 2.540 USD để hòa cùng 96.000 người nghe nữ ca sĩ hát.
Số tiền này bao gồm một vé VIP 500 USD, vé máy bay 900 USD, mua hàng hóa tại concert hết 600 USD, 300 USD mua vòng tay và đầu tư trang phục, đầu tóc hết 240 USD. Chưa kể đến việc cô không tốn tiền thuê khách sạn do ở nhờ nhà bạn.
Nicole Liel thừa biết việc cô bỏ tiền xem show của Taylor Swift bị một số người nói là vô trách nhiệm với túi tiền của mình. Tuy nhiên, cô cho rằng bản thân được truyền động lực, vượt qua khó khăn khi nghe nhạc của nữ ca sĩ.
“Khi bị bắt nạt ở trường tiểu học, tôi đã nghe Speak Now. Bài hát đã vang vọng trong tôi và ảnh hưởng đến cuộc đời tôi. Âm nhạc của chị ấy khuyến khích tôi chứng minh bản thân, khiến những kẻ bắt nạt thấy họ thất bại thế nào. Nói đúng hơn là tôi lớn lên cùng Taylor Swift. Buổi hòa nhạc rất xứng đáng với số tiền tôi bỏ ra”, Liel nói thêm.
Vui thôi, đừng vui quáCác chuyên gia cho rằng cảm xúc là yếu tố quan trọng trong việc hình thành quyết định mua hàng của người tiêu dùng, ở đây cụ thể là vé xem Taylor Swift biểu diễn.
Tiến sĩ Seshan Ramaswami, phó giáo sư giáo dục tiếp thị tại Đại học Quản lý Singapore, cho biết chi tiêu trải nghiệm (du lịch, xem hát...) khiến người tiêu dùng hạnh phúc hơn khi dùng tiền mua sản phẩm hữu hình.
“Một người tiêu dùng chi nhiều tiền như vậy cho các buổi hòa nhạc của Swift chắc chắn sẽ có cảm giác được kết nối với ca sĩ nổi tiếng hàng đầu thế giới. Với họ, Taylor Swift có nhân cách tốt, truyền cảm hứng và giúp họ ước mơ lớn lao cho cuộc sống”, chuyên gia nói.
Ngoài ra, tiến sĩ cho rằng sự thôi thúc mạnh mẽ của Swifties ở các quốc gia ít có cơ hội tiếp cận Taylor Swift một phần do nguyên tắc khan hiếm. Nghĩa là người tiêu dùng thường có xu hướng "săn", chi tiêu những thứ có nguồn cung thấp hơn cầu.
Về đêm diễn ở Singapore, đây là điểm dừng chân duy nhất ở Đông Nam Á trong chuyến lưu diễn The Eras Tour của Swift. Lần gần nhất cô diễn ở đảo quốc sư tử là từ năm 2015, cách đây đến 9 năm. Nhiều người mang tâm lý "không đi bây giờ biết chừng nào có cơ hội xem Swift hát live lần nữa" và sẵn sàng chi mạnh tay.
Nicole Liel không ngại vung tiền vì Taylor Swift vì nữ ca sĩ giúp cô truyền động lực.
Tiến sĩ Ramaswami cho rằng xem Taylor Swift biểu diễn nhiều lần là quyền tự do cá nhân. Tuy nhiên, chuyên gia cảnh báo người hâm mộ vui thôi, đừng vui quá. Ông không khuyến khích khán giả "nghiện cảm xúc dâng trào" mà họ có được khi vung tiền cho nữ ca sĩ.
“Nếu chi tiêu nhiều lần, người tiêu dùng tạo ra cảm giác nuông chiều thói quen, lần sau thậm chí mạnh hơn, khiến họ rơi vào vòng xoáy phung phí dài hạn, lâu dài gây tổn hại về mặt tài chính”, chuyên gia phân tích.
Ông Aaron Chwee, người đứng đầu bộ phận tư vấn tài sản tại OCBC, cho biết mọi người có thể thỉnh thoảng thưởng thức một bữa tiệc nhưng họ nên chi tiêu trong khả năng.
“Nếu những cá nhân này đang dùng nhiều tiền cho thú vui thay vì đầu tư, hưu trí hay các khoản dự phòng, đó có thể là thói quen nguy hiểm được hình thành theo thời gian, tác động bất lợi đến tương lai tài chính cũng như khả năng chi trả các cam kết tài chính khác của họ, đặc biệt là mua nhà", Aaron Chwee nói thêm.
Ông Chwee gợi ý rằng người hâm mộ nên tuân theo quy tắc lập ngân sách 50-30-20, trong đó 50% thu nhập của họ dùng để chi trả cho nhu cầu thiết yếu hàng ngày, 30% cho những mong muốn và thú vui của họ, và 20% để tiết kiệm phòng trường hợp khẩn cấp.
"Nếu bạn đã lên kế hoạch tài chính tốt, dành đủ quỹ khẩn cấp, đầu tư cho tương lai, mua bảo hiểm y tế đầy đủ và có ngân sách vững chắc, bạn có thể yên tâm chi tiêu cho những thứ hoặc trải nghiệm khiến bạn hạnh phúc. Chúng ta không nên thỏa hiệp mục tiêu tài chính chỉ để nuông chiều bản thân", Aaron Chwee nhận định.
Trạch Dương